Pháp bầu chọn 250.000 học sinh « đặc trách sinh thái » trên toàn quốc, để thúc đẩy học và hành về « phát triển bền vững ». Tại LHQ, tổng thống Macron khuyên giới trẻ thế giới tập trung chống các tác nhân cản trở cuộc chiến vì Khí hậu. Paris khánh thành đài tưởng niệm « thường dân vô danh » do chiến tranh, đoàn nhân đạo Yemen dự lễ, kêu gọi Pháp hành động để chấm dứt chiến tranh tại Yemen. Cử tri Mỹ áp lực đến cùng buộc Hạ Viện khởi sự thủ tục phế truất tổng thống Trump. Trên đây là các chủ đề chính Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Trong tháng 9/2019 đang qua, trong số các diễn biến chính trị quốc tế lớn, không thể bỏ qua ba hồ sơ nổi bật : New York trong 2 tuần lễ trở thành tâm điểm của cuộc chiến Khí hậu, nguy cơ chiến tranh bùng nổ tại vùng Vịnh, sau vụ cơ sở lọc dầu Ả Rập Xê Út bị không kích, và tổng thống Trump bị Hạ Viện khởi sự thủ tục phế truất. Trong mỗi hồ sơ, xin giới thiệu với quý vị thêm một góc nhìn khác.
Tại New York, sau khi thiếu nữ Thụy Điển Greta Thunberg cùng 15 thiếu niên, từ 12 quốc gia, khởi kiện Pháp (cùng Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Achentina và Brazil), lên Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc. Năm quốc gia bị cáo buộc là xâm phạm quyền trẻ em, và không hành động bảo vệ Khí hậu (1). Tổng thống Pháp đã lên tiếng. Trả lời đài Europe 1, từ New York, ông Emmanuel Macron hoan nghênh giới trẻ, nhưng kêu gọi thanh thiếu niên cần chung tay gây áp lực chống các thế lực cản trở nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Vì sao Macron kêu gọi giới trẻ biểu tình tại Ba Lan ?
Trước đó trên đường đến Thượng đỉnh Khí hậu, tổng thống Pháp bày tỏ mong muốn giới trẻ đến Ba Lan biểu tình, để buộc chính quyền nước này thay đổi thái độ, bởi Ba Lan mới là quốc gia ngăn cản nỗ lực quốc tế, chứ không phải Pháp hay Đức. Kêu gọi đến Ba Lan biểu tình của tổng thống Pháp bị nhiều người chỉ trích, nhưng dường như ít người hiểu rõ vì sao ông Macron lại nói đến Ba Lan, chứ không phải là một quốc gia nào khác. Tháng 6/2019, Ba Lan, cùng Hungary, Cộng Hòa Séc và Estonia chống lại việc Liên Âu thông qua mục tiêu « trung hòa khí thải » vào năm 2050. Ba Lan bị coi là kẻ đứng đầu trong nhóm bốn nước.
Thông tín viên Véronique Rigolet tường trình từ New York :
« Mong sao mọi người đừng dẫn ra những lời lẽ được cho là của tôi, mà thực tế tôi chưa bao giờ nói ra », tổng thống Emmanuel Macron phản bác, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, trước khi hoan nghênh « phong trào của giới trẻ » nhằm gây áp lực. Theo nguyên thủ Pháp, gây áp lực là « cần thiết », nhưng chỉ đúng khi áp lực này « nhắm vào chính quyền các nước nào cản trở các bước tiến của cuộc chiến bảo vệ Khí hậu », tổng thống Macron nhấn mạnh.
Ông nói : « Tôi cho rằng bước thứ hai của phong trào là gây áp lực đối với những ai không muốn thay đổi, và tham gia vào các hành động cụ thể. Tôi đã thông báo là, tại Pháp, chúng tôi sẽ bắt đầu với Hội nghị Công dân, khởi sự đầu tháng 10, xây dựng một lộ trình chuyển tiếp sinh thái, với sự tham gia của mọi công dân. Chúng ta phải thành công trong việc giúp cho giới trẻ tham gia tốt hơn vào việc xây dựng các giải pháp cụ thể mà chúng ta đang thực thi ».
Về cơ bản, tổng thống Macron không hề nhân nhượng gì. Ông khẳng định là áp lực của phong trào tranh đấu của giới trẻ cần đặc biệt nhắm vào chính phủ Ba Lan (hiện đang ngăn chặn Liên Hiệp Châu Âu thông qua mục tiêu trung hòa khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050). Mặt khác, tổng thống Pháp cũng kiên quyết đòi hỏi : đã đến lúc bản thân thanh thiếu niên cũng cần dấn thân vào các hoạt động thực sự cụ thể.
« Để chống lại nạn lãng phí, chống lại tình trạng Trái đất bị hâm nóng, cần phải có các hành động cụ thể và có ích. Không phải là một quyết định của chính phủ sẽ làm thay đổi sự việc ».
Thông điệp của tổng thống Macron tại New York ngay lập tức bị lu mờ bởi hình tượng của phong trào tranh đấu vì Khí hậu của giới trẻ, cô Greta Thunberg, và quyết định khiếu kiện chưa từng có chống lại 5 quốc gia – đặc biệt là nước Pháp. Vụ kiện được khởi sự nhằm tố cáo tình trạng trơ ì của giới lãnh đạo trong cuộc chiến chống Biến đổi khí hậu.
Biết sống tiết kiệm và gần gũi với thiên nhiên ngay trong học đường
Kêu gọi giới trẻ thế giới có hành động cụ thể, nhắm đúng mục tiêu. Trên thực tế, chính phủ Pháp cũng đã có một kế hoạch để giới trẻ, ngay từ trong học đường, có cơ hội nhận thức và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, sinh thái.
Ngày thứ Sáu 20/09/2019, đúng vào lúc học sinh trung học và giới trẻ hàng chục quốc gia bãi khóa, xuống đường để báo động về cuộc khủng hoảng Khí hậu, kêu gọi giới lãnh đạo có các chính sách môi trường phù hợp, thì bộ trưởng Giáo Dục Jean-Michel Blanquer và quốc vụ khanh phụ trách Sinh Thái và Đoàn Kết Brune Poirson đã đến thăm một trường trung học cơ sở Paris, để chính thức khởi động chương trình bầu chọn các học sinh phụ trách về môi trường (éco-délégué) cho mỗi lớp học. Tổng cộng, trên toàn quốc, sẽ có 250.000 học sinh phụ trách vấn đề môi trường cho 250.000 lớp học, của hai cấp, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Trước đây, một số trường cũng đã có các ủy viên phụ trách môi trường, nhưng theo bộ trưởng Giáo Dục Blanquer, việc biến chức trách này thành một định chế bắt buộc sẽ giúp cho mỗi học sinh trong số 12 triệu học sinh nước Pháp đều có cơ hội ý thức được đầy đủ về vai trò « chủ thể hành động cá nhân » trong nỗ lực tập thể chung, vì phát triển bền vững, để chủ động tham vào công cuộc chuyển đổi sinh thái. Theo một số giáo viên, cùng với các hoạt động cụ thể này, bộ Giáo Dục nên bổ sung vào chương trình giảng dạy về biến đổi khí hậu, đa dạng sinh thái, ở các bậc học sớm hơn là các lớp cuối phổ thông như hiện nay.
Vai trò của người đặc trách môi trường có thể từ những việc đơn giản trong đời sống hàng ngày, như giúp các bạn cùng lớp nâng cao ý thức tiết kiệm, như tắt điện khi ra khỏi phòng, đóng cửa sổ vào mùa lạnh, chống lãng phí thức ăn, phân loại rác thải, hay những việc cần tổ chức nhiều hơn như tham gia trồng cây, xây dựng khu sinh thái trong trường… Việc trồng cây, ủ rác, đào ao, làm vườn theo phương pháp nông nghiệp tự nhiên, làm tổ nuôi ong, nuôi chim hay gà, thỏ… sẽ giúp cho học sinh trực tiếp tiếp cận với các hệ sinh thái, có điều kiện đắm mình vào thiên nhiên, tìm hiểu mối quan hệ giữa các loài sinh vật.
Trò dạy Thầy : Chuyện ngược đời ?
Sáng kiến bầu chọn 250.000 học sinh đặc trách sinh thái gây hy vọng, nhưng cũng bị một số trí thức rất hoài nghi. Cựu bộ trưởng Giáo Dục Luc Ferry cực lực lên án, coi đây là một trò hề, và người ta đã để « cảm xúc lấn át lý trí ». Theo ông, làm như vậy là ngược đời, bởi trách nhiệm trước hết lẽ ra thuộc về các giáo viên. Họ phải đề cập đến các vấn đề môi trường trong các bài giảng (về sinh học, địa lý…), chứ không phải là « các học sinh mang lại bài học cho các giáo viên của chúng ». Cựu bộ trưởng Giáo Dục chỉ trích, với chiến dịch có thể được mệnh danh là « 250.000 Greta Thunberg » này, tổng thống Macron muốn lợi dụng ý thức vì môi trường ngày càng dâng cao tại Pháp, để có cơ hội tái đắc cử.
Phong trào Khí hậu của giới trẻ thế giới, với ngôi sao dẫn đường Greta Thunberg, sẽ đi đến đâu là câu chuyện còn để ngỏ. Dù gì đi chăng nữa việc khởi sự chiến dịch bầu ra 250.000 học sinh đặc trách môi trường tại Pháp ắt hẳn sẽ có nhiều hệ lụy xã hội.
Chiến tranh Yemen trở lại tâm điểm thời sự : Vai trò của Pháp bị chất vấn
Chiến tranh Yemen kéo dài từ 5 năm nay, tưởng như bị quên lãng, đột ngột thành điểm nóng quốc tế hàng đầu, sau vụ không kích nhắm vào các cơ sở lọc dầu Ả Rập Xê Út giữa tháng 9. Theo một số nhà quan sát, với việc giá dầu tăng vọt, lần đầu tiên các nước phương Tây cảm thấy tác động trực tiếp của chiến tranh tại Yemen. Giới bảo vệ nhân quyền Yemen nhân cơ hội này tổ chức vận động công luận, để các cường quốc phương Tây thấy rõ trách nhiệm của mình trong cuộc chiến tàn khốc, mà Liên Hiệp Quốc coi là « khủng hoảng nhân đạo lớn nhất » hiện nay.
Hôm 26/09, Paris khánh thành một tượng đài (tạm thời) « Nạn nhân dân sự » trong chiến tranh, theo sáng kiến của tổ chức Handicap International. Một đoàn đại biểu các nhà hoạt động nhân đạo Yemen tham dự lễ.
Bà Suad Al Qadri (Sou-ad Al Kadri), làm việc cho Handicap International, tại Sanaa, thủ đô Yemen, bày tỏ : « Tôi hy vọng là nhân dân Pháp, chính quyền Pháp, hiểu rõ được là tại Yemen, người dân đang đau khổ vì chiến tranh. Hãy thương xót chúng tôi ! Chính quyền Pháp hãy đóng vai trò tìm kiếm hòa bình, ủng hộ cho các cuộc thương thượng tìm giải pháp giữa các bên xung đột ».
Trả lời RFI, ông Farea AL-Muslimi, một trong những người sáng lập trung tâm nghiên cứu chính trị độc lập Sanaa Center for Strategic Studies (SCSS), có trụ sở tại Yemen, nhận định :
« Chính quyền Ả Rập Xê Út tiến hành chiến tranh tại Yemen từ bốn năm nay, và tình hình đã không có gì thay đổi. Họ vẫn cho rằng cuộc chiến tranh này là có ích. Những người phải trả giá là dân chúng Yemen, và quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất là Iran. Lực lượng ít bị suy yếu nhất trong cuộc chiến này từ bốn năm nay là phe nổi dậy Huthi ».
Nhà sáng lập trung tâm tư vấn chính trị Sanaa kêu gọi Pháp thay đổi lập trường trong cuộc chiến Yemen hiện nay :
« Khi nước Pháp bán vũ khí cho Ả Rập Xê Út, vấn đề không còn là xem ai sẽ sử dụng các vũ khí này. Vấn đề là Pháp cũng đã bán luôn đi lập trường ngoại giao của mình. Nước Pháp lẽ ra đã có thể phủ quyết cuộc chiến này, ngay từ lúc nó được khởi sự hồi năm 2015. Nhưng thay vì thế, Paris đã bật đèn xanh và khẳng định chúng tôi sẽ bán vũ khí cho các vị, tức chính quyền Ả Rập Xê Út, chừng nào mà quý vị mang tiền đến đây ».
Mỹ : « Không ai được phép ngăn cản nhân dân thực thi quyền lực ! »
Chính trị Mỹ một lần nữa cho thấy sức sống của một nền dân chủ, của thể chế pháp quyền, khi tổng thống buộc phải minh bạch trước Quốc Hội các thông tin về một cuộc nói chuyện với một đồng nhiệm nước ngoài. Tuy nhiên, không thể có được sự minh bạch ấy, nếu người dân không đứng lên đòi công lý phải được thực thi.
Theo thông tin từ tình báo Mỹ, tổng thống Trump đã yêu cầu chính quyền Ukraina điều tra về thân nhân của cựu phó tổng thống Joe Biden, người có nhiều khả năng sẽ đọ sức với ông Trump trong cuộc tranh chức tổng thống nhiệm kỳ tới. Đây là một hành động có thể bị coi là phản quốc. Tổng thống Trump tìm mọi cách trì hoãn cung cấp thông tin.
Từ nhiều tháng nay, chủ tịch Hạ Viện lưỡng lự trước quyết định khởi sự thủ tục phế truất, vì lo ngại phản tác dụng. Hạ Viện Mỹ, do đảng Dân Chủ kiểm soát, hôm qua thứ Ba, 24/09/2019, quyết định mở cuộc điều tra luận tội nhằm tiến tới truất phế tổng thống Donald Trump. Cũng ngày hôm đó, một nhóm nhỏ các nhà tranh đấu biểu tình tại Quốc Hội, yêu cầu các nghị sĩ thực thi ý nguyện của người dân.
Phóng sự của thông tín viên Anne Corpet tại Washington :
« Không ai được phép ngăn cản nhân dân thực thi quyền lực của mình », những người biểu tình hô vang. Họ gồm một nhóm nhỏ gồm khoảng 30 người tập hợp tại nhà mái vòm, nằm ở vị trí trung tâm của Quốc Hội Mỹ. Những người biểu tình kêu gọi các dân biểu khởi sự thủ tục phế truất tổng thống.
Cô Jocelyn Rosalia Garcialas, tham gia Hiệp hội By the People, nói : « Ông Donald Trump phải ra đi, bởi vì nền dân chủ của chúng ta đang lâm nguy. Nếu một con người như Trump không phải chịu trách nhiệm về bao nhiêu tội lỗi ông ta gây ra, thì chúng ta sẽ nói gì với các chính quyền kế nhiệm ? ».
Ngay lập tức cảnh sát can thiệp. Khoảng 20 người biểu tình bị cảnh sát câu lưu, tất cả vừa đi vừa hát.
Những người tranh đấu biết rằng thủ tục phế truất rất ít có cơ hội đạt kết quả, do không có được đa số tại Thượng Viện. Tuy nhiên, theo Alexandra Flores Cortis, việc này dù sao cũng là cần thiết, cô nói : « Chúng tôi cho rằng một thủ tục phế truất sẽ cho phép Quốc Hội có được các bằng chứng là tổng thống Trump đã phạm các tội, có thể dẫn đến việc ông ta bị phế truất, cũng như toàn bộ các tài liệu mà ông ta cố tình che giấu. Chúng tôi không muốn là Quốc Hội tiếp tục chơi trò câu giờ. 45% người Mỹ hiện nay ủng hộ việc phế truất ».
Cho đến nay, đa số thành viên đảng Dân Chủ phản đối việc khởi sự thủ tục phế truất, bởi tiến trình này có thể có lợi cho tổng thống Mỹ, ông Donald Trump có thể sẽ tuyên bố ông là nạn nhân của các tấn công hung hãn từ phía đối lập.
Ghi chú
1. Trung Quốc và Mỹ (hai quốc gia gây ô nhiễm thứ nhất và thứ nhì thế giới) không tham gia Công ước quốc tế, cho phép giới trẻ kiện các quốc gia lên các tòa án quốc tế, vì các xâm phạm quyền trẻ em.